Ở lượt trận chung kết diễn ra vào chiều 30/3, giải đã chứng kiến những hình ảnh xấu xí từ một bộ phận khán giả có mặt tại nhà thi đấu Cầu Giấy.
Do số lượng khán giả quá đông, các dãy ghế trên khán đài đều chật kín, người ngồi lên cả lối đi nên BTC giải đã không thể kiểm soát nổi và một nhóm khán giả đã tràn xuống cả sân nhà thi đấu.
Tranh cướp nhau một cây vợt cầu lông được VĐV tặng |
Trong quá trình diễn ra các trận chung kết, BTC đã nhiều lần phải dùng loa nhắc nhở khán giả không được trèo trên tường, ngồi chênh vênh lên thành lan can vì sợ sự cố đáng tiếc có thể xảy ra; đồng thời yêu cầu khán giả không được bật đèn flash khi quay phim, chụp ảnh để không làm ảnh hưởng tới chất lượng, tính công bằng ở các trận chung kết. Song do thiếu ý thức mà nhiều người vẫn lặp lại những hành động thiếu chuyên nghiệp như trên.
Đáng nói hơn cả, nhiều khán giả quá vô ý thức, làm xấu hình ảnh người hâm mộ Việt Nam cũng như hình ảnh giải đấu trong mắt các VĐV quốc tế dự giải, bởi những màn "cướp vợt" phản cảm.
Điển hình nhất là tình huống cặp VĐV của Nhật Bản sau khi vô địch đôi nữ đã ném vợt lên khán đài tặng khán giả - một hành động thay lời tri ân những khán giả trung lập đã cổ vũ cho mình suốt giải - nhưng khi vợt vừa ném lên, nhiều khán giả đã lao vào giành giật, thậm chí suýt xảy ra ẩu đả để đoạt vợt. Xấu xí hơn là hình ảnh một khán giả đã lao vào sân, cướp chiếc vợt trên tay Yano Chiemi trong sự ngỡ ngàng của nữ VĐV Nhật Bản này.
CĐV lao xuống cướp vợt. |
Sau khi giải kết thúc, tay vợt trẻ Phạm Cao Cường viết trên facebook:“Mình cảm thấy thật sự buồn vì người Việt Nam mình có những hành động đó, nhất là với người nước ngoài. Các bạn làm gì thì làm đừng nên làm mất đi cái đẹp, cái tốt của người Việt Nam, đừng để họ nhìn một hai người mà đánh giá cả Việt Nam chúng ta....”.
Cần phải nói thêm, theo tìm hiểu của phóng viên có mặt tại nhà thi đấu chiều 30/3, bên cạnh những người hâm mộ cầu lông là người Hà Nội, có rất đông khán giả là người các tỉnh khác, hiện đang học tập, lao động tại Thủ đô.
Đây không phải là lần đầu tiên hình ảnh người Việt Nam xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế. Trước đó, chị Phạm Thu Giang làm công tác báo chí văn hóa tại Đại sứ quán Hà Lan, cũng là người tổ chức chương trình hát áo mưa miễn phí cho người qua đường đã cảm thấy hoảng sợ trước ứng xử lạ của người dân.
Bắt đầu vào lúc 2h00 chiều 12/9/2013, chương trình “Đừng để bị ướt mưa!" được tổ chức ở một sân khấu ngoài trời, tại cửa của UBND quận Ba Đình. Nội dung của sự kiện ngày hôm đó bao gồm hoạt động trao tặng 3.000 chiếc áo mưa miễn phí cho người qua đường.
Mở đầu sự kiện, đại diện người Hà Lan có những lời chúc tốt đẹp tới người dân xung quanh đang có mặt tại đó.
Tuy nhiên, chỉ vài phút sau đó, không khí thay đổi nhanh chóng và trở nên hỗn loạn, mọi người tranh giành nhau, ai cũng cố gắng lấy nhiều nhất những món quà thiện chí về tay mình. Có người còn trèo lên cả sân khấu để cướp từ tay các tình nguyện viên và nhân viên đại sứ quán.
Nhiều người hò hét xung quanh khu vực phát áo mưa khiến quang cảnh trước UBND quận Ba Đình trở nên lộn xộn và khó hiểu. Chỉ 35 phút sau khi chương trình bắt đầu, 3.000 chiếc áo mưa đã được lấy sạch.
Sau sự kiện này đã để lại những hình ảnh rất xấu của người dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Không những thế, ngày 10/2 vừa qua, công nhân công ty cây xanh Hà Nội có mặt thu gom các chậu hoa trang trí quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, song nhiều người dân vẫn thản nhiên bê các chậu hoa trang trí về trong sự “bất lực” của các công nhân này.
Bà Nguyễn Hòa Hợp - Phó Giám đốc Công ty Cây xanh Hà Nội cho biết, hằng năm, sau khi trang trí các điểm công cộng vào dịp lễ, Tết, phía công ty đều cắt cử nhân viên trực bảo vệ.
Cũng theo bà Hợp, sau khi kết thúc các dịp lễ, Tết, công ty đều khẩn trương thu hồi hoa và cây cảnh về, không để người dân lấy, gây mất mỹ quan đô thị, mất hình ảnh đẹp của thủ đô trong mắt du khách. Tuy nhiên người dân vẫn có những hành động làm xấu hình ảnh của thủ đô.
Thùy Vân: dvo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét