Trong một nghiên cứu trước đây đăng trên tờ Cell Metabolism, các nhà nghiên cứu đã thấy rằng những người ở độ tuổi 50 có chế độ ăn nhiều protein dễ tử vong do mọi nguyên nhân gấp đôi so với những người ăn ít protein hơn.
Còn trong một nghiên cứu mới đây do Hội Bệnh tiểu đường Mỹ công bố, các nhà khoa học đã tổng kết số liệu về thói quen ăn uống và hoạt động thể lực của người lớn ở 8 nước châu Âu trong thời gian 12 năm. Những người này được đánh giá về chiều cao, cân nặng, vòng bụng cũng như sự phát triển bệnh tiểu đường. Trong số các đối tượng nghiên cứu có 11.000 người bị tiểu đường týp 2 và 15.000 người không bị bệnh.
Trung bình, những người tham gia nghiên cứu ăn khoảng 90g protein mỗi ngày. Họ được chia thành 5 nhóm dựa trên mức tiêu thụ protein. Kết quả cho thấy những người ăn nhiều nhất (111g mỗi ngày) dễ bị bệnh tiểu đường hơn 17% so với những người ăn ít nhất (72g/ngày). Theo Trung tâm Phòng chống Bệnh (CDC) Mỹ, khẩu phần protein khuyến nghị là khoảng 46g đối với phụ nữ từ 14 tuổi trở lên và 56g đối với nam giới từ 19 tuổi trở lên. Điều này có nghĩa là những người dễ bị bệnh tiểu đường có lẽ đã ăn gấp đôi lượng đạm mà họ nên ăn.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng mỗi 10g protein ăn thêm sẽ liên quan với tăng thêm 6% nguy cơ bị bệnh tiểu đường. Quan trọng hơn, lượng đạm động vật cao thường đi kèm với những chất dinh dưỡng không mong muốn khác như chất béo no, cholesterol và muối.
Thực ra, đạm động vật như thịt chế biến sẵn, gia cầm, thịt đỏ, cá và sữa - có thể chứa những thành phần không tốt cho sức khỏe mà ta chỉ nên ăn với lượng vừa phải. Ví dụ, một miếng bít tết cho lượng protein lớn, nhưng nó cũng cung cấp tới 12g chất béo no. Một miếng thịt bò xông khói khoảng 170g cũng chứa rất nhiều muối. Vì vậy khi nói về “gói protein” thì không chỉ là về lượng protein mà món ăn mang đến cho bạn. Cá hồi và đậu phụ giàu protein nhưng ít muối cũng như chất béo no; đậu đỗ giàu protein kèm với chất xơ, và không chứa chất béo no là những thực phẩm cung cấp “gói protein” tốt hơn.
Cũng vậy, trước khi loại bỏ hoàn toàn protein động vật ra khỏi chế độ ăn, cần biết rằng nghiên cứu không hoàn toàn chính xác. Đáng lẽ phải cho người tham gia ăn lượng protein khác nhau và sau đó kiểm tra họ, thì các nhà nghiên cứu chỉ so sánh chế độ ăn của những người bị tiểu đường với những người không bị. Tỷ lệ bệnh tiểu đường tăng ở những người ăn nhiều protein cũng có thể chỉ là dấu hiệu cho thấy những người này nói chung là ăn nhiều hơn - bao gồm cả protein, đường và chất béo.
Tuy nhiên, bạn cũng đừng “tẩy chay” thịt cá một cách cực đoan. Protein rất quan trọng đối với hoạt động của cơ thể, và thịt động vật là nguồn đạm dồi dào nhất. Nguyên tắc chung là có lẽ không nên ăn thịt đỏ quá 2 lần/tuần, thịt gia cầm và cá quá 3-4 lần/tuần và không nên ngày nào cũng uống sữa gầy hoặc sữa chua.
“Đại đa số người Mỹ ăn nhiều gấp đôi lượng protein mà họ nên ăn, và có lẽ tốt hơn là nên giảm lượng đạm ăn vào hàng ngày, nhất là đạm có nguồn gốc từ động vật. Nhưng cũng đừng cực đoan trong việc cắt giảm protein – bạn có thể rất nhanh chóng bị chuyển từ “được bảo vệ” sang suy dinh dưỡng”.
Hãy nhớ là protein cũng có trong các thực phẩm không phải từ động vật, như đỗ, đậu phụ, hạt có vỏ cứng và các loại hạt - vì thế hãy chú trọng những nguồn này hơn để nhận được 46-56g protein mỗi ngày.
Thùy Linh
Theo Medical Daily
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét