Theo số liệu của trang chi phí sinh hoạt toàn cầu Numbeo, vận tải chiếm 21,4% tổng các loại chi phí sinh hoạt của người dân Việt Nam mỗi tháng.
Thông tin được từ Tuổi trẻ đăng tải cho biết ở ngưỡng 15.000 đồng/km cho xe năm chỗ chạy trong phạm vi 30km và 16.000 đồng với xe bảy chỗ chạy ở TP.HCM, giá cước này đang bỏ xa cước các nước trong khu vực.
Với mức cước taxi nói trên cùng giá các phương tiện khác, Numbeo nhận định vận tải chiếm 21,4% tổng các loại chi phí sinh hoạt của người dân Việt Nam mỗi tháng.
Như vậy, hơn 1/5 tiền người Việt bỏ ra hàng tháng dành cho đi lại và 4/5 còn lại cho đủ thứ chi tiêu, từ ăn uống; mua sắm; điện - nước - điện thoại - internet; quần áo - giày dép; thuê nhà; thể thao - giải trí...
Trong khi đó, tại Singapore - nước có chi phí sinh hoạt cao nhất Đông Nam Á - cước taxi đang ở mức 8.700 đồng/km, bằng nửa giá cước mỗi km chạy trên đường Việt Nam (tuy nhiên, riêng km đầu tiên mở cửa ở Singapore tính 50.000 đồng).
Ngay cả Campuchia, giá cước taxi cũng rẻ hơn Việt Nam. Cước nơi này đang ở mức khoảng 12.000 đồng/km và vận tải cũng chỉ chiếm 15,1% tổng các loại chi phí sinh hoạt của người dân nơi đây mỗi tháng.
Cước taxi rẻ nhất trong khu vực phải kể đến Thái Lan, nơi hành khách đi mỗi km chỉ tốn 5.000 đồng, bằng 1/3 cước ở Việt Nam. Chi phí vận tải nhờ đó chỉ chiếm khoảng 13,2% tổng chi phí sinh hoạt của người Thái.
Trong khi đó, vận tải cũng chỉ chiếm 12,6% tổng chi phí sinh hoạt ở Lào, 14,3% ở Indonesia, 11,2% ở Trung Quốc và 9,8% ở Mỹ.
Phí vận tải cao đang là yếu tố đội giá hàng hóa khiến khả năng cạnh tranh kém. Theo ông Lê Văn Ngãi, giám đốc công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Sơn Hà tại TP.HCM chỉ rõ chính chi phí vận tải và hậu cần của Việt Nam ở khoảng trên 20% trong khi mức của thế giới là 13% là khác biệt lớn.
“Đây là chuyện rất nghiêm trọng bởi chi phí như vậy khiến doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh với doanh nghiệp toàn cầu trên trường quốc tế. Mỗi một kiện hàng ra tới thị trường quốc tế phải đi qua biết bao chặng đường và gánh chi phí đáng kể từ cước vận tải nên chỉ cần cước Việt Nam nhỉnh hơn các nước đã đủ khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh ngay lập tức”, ông Ngãi phân tích.
Quả dưa hấu cũng có thể minh chứng cho điều này. Trên thực tế người nông dân chỉ có thể bán dưa với mức giá 500 đồng/kg tại ruộng, trong khi tiểu thương ở chợ đầu mối hoa quả Long Biên đã bán với giá 8.000 đồng/kg, gấp tới 16 lần.
Lý giải về việc dưa đội giá lên cao, một tiểu thương cho biết, 'trung bình một chuyến xe 4 - 5 tấn dưa chúng tôi mất khoảng 15 - 20 triệu đồng tổng các loại chi phí từ miền Trung ra tới Hà Nội. Mà những chi phí đấy tôi chỉ biết tính vào quả dưa chứ còn biết tính vào đâu'.
Trước đó PGS. TS Trần Đình Thiên từng đưa ra con số chứng minh Người Việt “gánh” tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần các nước khác trong khu vực.
Trung bình trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ thuế và phí của Việt Nam là 21,6% GDP, Trong khi Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1% và Ấn Độ chỉ là 7,8%.
“Thực tế là những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP rất cao. Giai đoạn sau này còn nhiều loại thuế như thuế môi trường của xăng dầu, phí đường bộ…thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa”, TS Trần Đình Thiên nói.
Phương Nguyên (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét