Our Blog

Thư gửi em gái vừa thi đại học

dailyexpress24h.com

Từ trường thi trở về, em bảo: "Em làm bài không tốt lắm". Suốt ngày em lo lắng, buồn rầu hỏi chị "Nhỡ em trượt đại học thì sao?". Để chị kể em nghe chuyện của mình nhé!
Khoảng những năm 1996 - 2000, khi bố chị mới rời đơn vị về nhà, ông có mang theo rất nhiều đồ đạc khi trong quân ngũ, trong đó có chiếc radio nhỏ mà chị rất thích. Bố chị mất đã hơn 2 năm rồi và chiếc radio ấy cũng hỏng lâu lắm, phải hơn 10 năm chị cũng chẳng nghe radio trở lại.
Nhưng bây giờ, chị vẫn nhớ một số chương trình thường nghe: đọc truyện đêm khuya, kể chuyện cảnh giác, văn nghệ chủ nhật... chương trình chị thích nhất là "Văn nghệ thiếu nhi", phát lúc 10h sáng hàng ngày. Chị nghe và thuộc cả cốt truyện "Tuổi thơ dữ dội" đấy nhé. Nghe có vẻ cái radio chẳng liên quan gì đến chuyện thi đại học. Nhưng mà đó chính là lý do đầu tiên khơi mào cho động cơ chọn trường đại học của chị.
.

Có một lần, radio phát câu chuyện về một nữ sinh khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn kể về nghề hướng dẫn viên du lịch, về những chuyến đi của chị ấy. Chị nghe thấy và rất thích, ý niệm đầu tiên của chị khi nghe chương trình đó là "sau này mình cũng sẽ học du lịch", khi đó chị học lớp 4 thôi. Từ đó chị nuôi mơ ước trở thành hướng dẫn viên du lịch trong tương lai.
Thế nên sau này khi vào lớp 12 lúc bạn bè còn mải đọc "Những điều cần biết trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng" để chọn ngành học và làm hồ sơ thi. Có bạn mua tới 5 bộ vì không biết chọn ngành nào. Còn chị chỉ mua 2 bộ (1 bộ dự phòng nếu viết sai), cũng chỉ cần tra đúng mục mã ngành của khoa Du lịch, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Ngày lên Hà Nội thi, chị háo hức lắm. Bộ quần áo ngày mai sẽ mặc được gấp lại để dưới đuôi giường, chiếc balo để trên bàn học, cứ chốc chốc lại móc cái này ra, nhét cái kia vào..., đêm đó chị gần như không ngủ vì hồi hộp. Chuyến đi xa đầu tiên của chị mà. Hôm sau, bố con chị rồng rắn lên Hà Nội. Lúc lên xe khách chị chọn ngồi gần cửa sổ, và cả quãng đường gần 200km chỉ ngắm những con đường đang cứ lùi dần về phía sau…
Nhưng năm đó, chị trượt đại học. Trường lấy 21 điểm, trong khi chị chỉ được 16. Chị buồn lắm. Ngày biết điểm thi, chị về nhà, dựng xe ở góc sân, lao vào giường khóc, chẳng buồn ăn tối. Bố dỗ dành "Sang năm thi tiếp, học sinh giỏi quốc gia như anh H. còn phải thi đại học 2 lần nữa mà".
Những ngày sau, cứ nghe tin bạn nọ, bạn kia đỗ đại học chi đều rất tủi thân. Đi liên hoan cùng bạn mà lòng buồn rười rượi. Phải 3 hay 4 tháng sau đó, chị vẫn không thể cân bằng lại tâm trạng trong khi bạn bè đã bắt đầu đi ôn thi trở lại. Chị cứ hết buồn bã, khóc lóc, lại bỏ cơm. Hồi đấy chị từ 43kg giảm xuống còn 38kg.
Một buổi sáng, bố thấy chị và quát lớn "Từ nay theo mẹ ra đồng, không có học hành chi nữa, khóc lóc suốt ngày". Chị cự cãi thế nào mà bị ăn một bạt tai đau điếng (lần đầu tiên bố đánh chị). Chị khóc thêm một chặp nữa, bỏ thêm một bữa cơm trưa... và chiều ấy bắt đầu soạn lại sách vở, vừa soạn vừa khóc. Tối đó, chị bắt đầu ôn thi trở lại... Năm đó chị đỗ đại học, đúng ngôi trường mơ ước, và số điểm ngoài cả mong đợi của chị.
4 năm học có bao nhiêu chuyến đi để đời nhưng rồi khi tốt nghiệp chị lại không một lần làm hướng dẫn viên. Chị không đi theo nghề đó mà rẽ sang một hướng khác. Khi là điều hành tour, sale tour, khi là giám sát nhà hàng, khi chuyển sang làm việc tại khách sạn, và bây giờ chị là giảng viên. Lâu lâu nói chuyện, chị vẫn chống chế với bạn "có bỏ nghề đâu, vẫn theo nghề vì dạy du lịch, thì cũng là làm du lịch mà". Thế đấy em gái ạ.
Chị tốt nghiệp đại học đã 5 năm nhưng thành quả vẫn chưa có gì đáng kể. Nếu như lấy tiền bạc làm chuẩn mực cho sự thành công của những người học đại học thì chị “thất bại thảm hại”. Lương thạc sĩ của chị bây giờ chỉ 3,3 triệu đồng/tháng.
Trong khi bạn chị có người chỉ tốt nghiệp lớp 12, thậm chí chỉ hết lớp 9, đã mua nhà Sài Gòn, xây nhà tại quê, mở quán sửa xe, nuôi mẹ, nuôi em... giá trị vật chất họ tạo ra nhiều hơn chị gấp bội. Họ đâu có học đại học. Không trường đại học nào dạy họ, không có lý thuyết kinh doanh nào trong đầu họ, không có kiến thức quản lý tài chính nào cả... và những thành quả họ đạt được lại chứng tỏ họ có tư duy rất tốt và nhạy bén.
Nếu lấy sự thăng tiến trong công việc làm thước đo thì chị càng không thành công. 4 năm sau khi ra trường chị không tiến lên chỉ có đứt đoạn, ngắt quãng, rẽ ngang. Và 4 năm đó, một số bạn người đã dần leo đến các vị trí quản lý, quản lý khách sạn, quản lý nhà hàng. Không phải ai trong số họ cũng đều tốt nghiệp đại học.
Chị nhìn xung quanh mình. Bạn chị tốt nghiệp thủ khoa đại học, vẫn xếp bằng trong góc tủ, làm công nhân xí nghiệp may. Bạn khác cũng tốt nghiệp thủ khoa, được chuyển tiếp lên học thạc sĩ, tốt nghiệp đã nhiều năm vẫn chưa xin được việc.
Ngoài đời vẫn có những bạn, đi làm việc mà không hề dùng tới bằng đại học. Bao nhiêu bạn trẻ làm việc trái ngành học, rất nhiều người trong số họ thành công.
Sau này rồi em sẽ biết, trượt đại học chỉ là thất bại nhỏ, rất nhỏ trong cuộc đời mỗi người. Và có thể chỉ là nỗi buồn lớn của những cô bé, cậu bé 18 tuổi chưa từng vấp ngã trong đời. Kể cả không thể vào được đại học, điều đó cũng chẳng ảnh hưởng đến tương lai tốt đẹp của em sau này nếu vẫn luôn biết cố gắng, luôn không chịu đầu hàng trước khó khăn. Hoặc giả nếu không thể vào bất cứ trường đại học nào, vẫn còn những cấp học khác phù hợp với mình.
Đời nhiều ngã rẽ, vào đại học cũng chỉ là một lối đi trong vô số lối đi con người ta có thể lựa chọn.
Thế đấy em gái ạ!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright © 2014 GáiĐẹpNgựcKhủng All Right Reserved MyBloggerLab

Hình ảnh chủ đề của http://dailyexpress24h.com/. Được tạo bởi Blogger.